Franz Boas (09/07/1858 – 21/12/1942) sinh ở Minden, Đức. Thời trẻ ông rất mê khoa học tự nhiên nên theo đuổi và đạt học vị tiến sĩ địa lý học năm 1881 (có tài liệu ghi là vật lý học) tại Đại học Kiel (Đức) và nghiên cứu hậu tiến sĩ địa lý học tại đại học này. Tuy nhiên, khi thám hiểm Bắc cực để nghiên cứu về địa lý học trong hai năm 1883 – 1884, F. Boas lại bị hấp dẫn bởi con người ở đây về dáng vẻ, ngôn ngữ và dĩ nhiên là về lối sống và truyền thống của họ. Sau chuyến nghiên cứu, Boas quyết định gắn bó suốt đời với nhân học.
Năm 1887 F. Boas di cư sang Mỹ, theo ông là để có điều kiện nghiên cứu nhân học tốt hơn và có điều kiện để phát ngôn tư tưởng tự do hơn. Năm 1896 F. Boas được mời giảng dạy nhân học thể chất (physical anthropology) tại Đại học Columbia và chỉ ba năm sau được bầu là giáo sư nhân học của đại học này.
F. Boas có đóng góp quan trọng đối với nhân học khi đem lại một phương pháp luận khoa học mới mẻ, đòi hỏi nghiên cứu thực nghiệm nghiêm ngặt và xử lý dữ liệu dựa trên các phương pháp của khoa học tự nhiên. F. Boas cũng đưa ra cách hiểu mới mẻ về “văn hóa”, xem “văn hóa” là kết quả của hành vi được học hỏi và khái niệm “văn hóa” cần được hiểu một cách linh hoạt và năng động.
F. Boas cũng có đóng góp đặc biệt quan trọng khi phê phán gay gắt thuyết “tiến hóa văn hóa” (cultural evolutionism) và đưa ra thuyết “tương đối văn hóa” (cultural relativism), xem đó là phương pháp luận để tiến hành điền dã và là công cụ để khám phá khi phân tích dữ liệu. Thuyết tương đối văn hóa chỉ ra rằng những khác biệt giữa các dân tộc là kết quả của những điều kiện địa lý, xã hội, lịch sử cụ thể và tất cả các cộng đồng cư dân đều có thể phát triển văn hóa một cách bình đẳng. Thuyết tương đối văn hóa như vậy đã dẫn đến thuyết “đặc thù lịch sử” (historical particularism). Thuyết đặc thù lịch sử xem xét mỗi nền văn hóa có một lịch sử đặc thù và chúng ta không nên áp đặt những quy luật phổ quát chi phối sự vận hành của các nền văn hóa. Quan điểm này đối lập với quan điểm tiến hóa luận của Louis Henry Morgan và E.B. Tylor – những người cho rằng mỗi nền văn hóa sẽ trải qua từng nấc thang nhất định trong quá trình phát triển.
Những đóng góp trên đặc biệt có ý nghĩa vì trước Boas nhân học chủ yếu dựa trên những lý thuyết chung (grand theories), rút ra từ những nghiên cứu thực nghiệm riêng lẻ và dữ liệu thường không được kiểm chứng nghiêm ngặt, lại gắn nhiều với thành kiến phân biệt chủng tộc.
Đối với Nhân học Mỹ, F. Boas cũng có những đóng góp đặc biệt quan trọng. F. Boas là người sáng lập Hiệp hội Nhân học Mỹ (AAA) và đưa ra khái niệm “bốn lĩnh vực” của nhân học: nhân học thể chất, nhân học ngôn ngữ, nhân học khảo cổ, và nhân học văn hóa. Chính Boas là người đi tiên phong trong cả bốn lĩnh vực của nền Nhân học Mỹ với những đóng góp kể trên đối với nhân học nói chung.
Cách tiếp cận “bốn lĩnh vực” được hiểu không chỉ là kết hợp các nhà nhân học ở các ngành khác nhau vào một khoa trong một trường đại học như Boas đã chủ xướng và thực hiện, mà còn giúp nhận thức lại nhân học qua sự liên kết những đối tượng khác nhau trong nghiên cứu nhân học thành một thể gắn kết nhau. Đây là đóng góp căn bản của Boas làm cho nhân học Mỹ khác hẳn với nhân học ở Anh, Pháp, hoặc Đức. Cách tiếp cận này xác định đối tượng của nó (nhân loại) như một cái tổng thể. Việc tập trung vào tính tổng thể này không dẫn Boas đến việc tìm cách giảm thiểu mọi dạng thức và hoạt động của nhân loại xuống mẫu thức (denominator) chung thấp nhất; ngược lại, cho thấy ông đã rất hiểu bản chất đa dạng trong mọi dạng thức hoạt động của nhân loại.
Ngoài ra, với tư cách là một nhà giáo, F. Boas đã đào tạo và cố vấn cho những tên tuổi lớn của nhân học Mỹ như Alfred Kroeber, Ruth Benedict, Margaret Mead, Robert Lowie, và Edward Sapir. Nhiều người trong số họ đã sáng lập, hoặc có ảnh hưởng lớn đến các bộ môn và các khoa ở nhiều trường đại học lớn ở Mỹ.
Với những đóng góp khoa học đặc biệt của mình, F. Boas được coi là người khai sinh ra nền nhân học hiện đại (modern anthropology) và là cha đẻ của nền Nhân học Mỹ (American Anthropology).
Tác phẩm tiêu biểu:
- The Mind of Primitive Culture (Tinh thần văn hóa nguyên thủy) 1911.
- Changes in the Bodily Form of Descendants of Immigrants (Biến đổi hình thể của con cháu người di cư). American Anthropologist, Vol. 14, No. 3, July-Sept, 1912.
- The History of the American Race (Lịch sử chủng tộc châu Mỹ). Annals of the New York Academy of Sciences, Vol. XXI, 1912, pp. 177-183.
- Mythology and folk-tales of the North American Indians (Huyền thoại và truyện kể dân gian của người bản địa Bắc Mỹ). Journal of American Folklore, Vol. 27, No. 106, Oct.-Dec. 1914, pp. 374-410.
- Anthropology and Modern Life (Nhân học và cuộc sống hiện đại), 1928.
- Race, Language, and Culture (Chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa), 1940.