Trang chủ » Văn Học » Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-1

Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-1

NGUỒN GỐC MÃ LAI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Bình-nguyên Lộc (7.03.1914 – 7.03.1987) Với hơn hai trăm biểu đối chiếu sơ về ngôn ngữ Việt-Mã và nhiều khám phá mới lạ về thượng cổ 5000 năm của dân tộc Việt Nam.

Bút hiệu
(Pseudonym, Pen Name) BÌNH-NGUYÊN LỘC, có gạch nối liền giữa Bình và nguyên, nhưng không có gạch nối liền giữa nguyên và Lộc, và nguyên cần được viết với chữ n không hoa.

Bút tích Bình-nguyên Lộc

Mục lục

Bình-nguyên Lộc – cuộc đời và văn nghiệp

Lời giới thiệu của P. Huard. Ngữ vựng

Chương I. Ba cuộc sa lầy, Tinh thần khoa học và ba chứng tích chủ lực

Chương II. Những sai lầm căn bản của quý ông H. Maspéro, L. Aurousseau, Nguyễn Phương, Kim Định và Trần Kinh Hoà

A. Sự thật về các chủng Mông Gô Lích

B. Ta không phải là Tàu, không hề có di cư ồ ạt

C. Bất tương đồng Hoa Việt

D. Nước Tây Âu mơ hồ và Tượng Quận bí mật

Chương III. Cổ Thục, Tây Âu và chi Thái

Chương IV. Mã Lai chủng

Chương V. Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay

A. Trống đồng

B. Kiến trúc

C. Cái đình

Đ. Đối chiếu chỉ số sọ

E. Ngôn ngữ tỷ hiệu

Chương VI. Chủng Cực Nam Mông Gô lích của dân ta

Chương VII. Về cái họ của Trung Hoa và Việt Nam

Chương VIII. Thượng Việt, người Mường và Tô-tem Lạc Việt

Chương IX. Sông Bộc – Nhau rún thứ nhì của tổ tiên ta

Chương X. Làng Cườm sống dậy

Chương XI. Phụ lục và kết luận

BÌNH – NGUYÊN LỘC Cuộc Ðời và Văn Nghiệp

Tống Diên

TỐNG DIÊN là thứ nam của nhà văn Bình-nguyên Lộc, là người hiện bảo quản những tài liệu còn lưu lại sau khi nhà văn từ trần. Căn cứ theo gia phả và hồ sơ quan trọng, ông đã điều chỉnh lại một số dữ kiện, vì “tam sao thất bổn” hay vì một lý do nào đó, đã bị phổ biến sai lạc, trong đó có một vài chi tiết “không đúng” do chính nhà văn đưa ra. BBT

Tên thật : TÔ VĂN TUẤN (07.03.1915 – 07.03.1987)

Cha……. : Tô Phương Sâm (1878-1971)

Mẹ………: Dương Thị Mẹo (1876-1972)

Vợ ………: Dương Thị Thiệt (1911-1988)

Con…….. : Tô Dương Hiệp (1935-1973),

Con…….. : Tô Hòa Dương (1937), Tô Loan Anh (1939),

Con……..: Tô Mỹ Hạnh (1940), Tô Vĩnh Phúc (1947)

I- SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ

1.- Ðại Cương

Theo giấy khai sanh, Bình-nguyên Lộc (BNL) tên thật là Tô Văn Tuấn, sanh ngày 7-3-1915 tại làng Tân Uyên (từ năm 1920 trở đi thành quận lỵ của quận Tân Uyên), tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa, thuộc Ðồng Bằng sông Ðồng Nai, Nam Việt. Thật ra BNL sanh ra ít nhứt là một năm trước ngày ghi trong giấy khai sanh, nghĩa là sanh vào năm 1914, còn ngày sanh không biết có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chỉ cách bờ sông Ðồng Nai hơn một trăm thước thôi. Chính con sông Ðồng Nai nầy đã giúp ông chất liệu để hoàn tất một số tác phẩm như truyện ngắn “Ðồng Ðội” (trong Ký Thác), hồi ký “Sông Vẫn Ðợi Chờ” (viết và đăng báo ở California), v.v….

Từ năm 1919-1920 ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng. Trường học chỉ là một lều tranh. Sau đó ông học trường Tiểu học ở Tân Uyên vào những năm 1921-1927. Năm 1928 ông ở nhà luyện Pháp văn để thi vào Trung học (Enseignement primaire supérieur) Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Sàigòn, rồi từ 1929-1933 ông theo học trung học nầy và đậu bằng Thành Chung (Diplôme d´Études Primaires Supérieures) vào năm 1933. (Trong bản thảo một bài trả lời phỏng vấn, chẳng biết về sau có đăng báo không, BNL viết rằng ông không có bằng cấp chi cả. Không rõ ông viết như vậy với dụng ý gì chớ thực sự ông có bằng Thành Chung)

Rời trường Pétrus Ký ông thi vào ngạch thơ ký hành chánh nhưng hơn một năm sau mới được tuyển dụng, vì lúc đó thế giới đang ở thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Ban đầu ông phục vụ tại Kho Bạc Thủ Dầu Một, rồi sau đó thuyên chuyển xuống Kho Bạc Sàigòn, sau nầy được cải danh là Tổng Ngân Khố. Năm 1944, BNL bịnh thần kinh nên xin nghỉ dài hạn không lương, và từ đó về sau không trở lại với nghề công chức nữa (thời gian 1970-1975 ông làm Hội Viên Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam, nhưng đây không phải là công việc của người công chức)

Tản cư về quê năm 1945, BNL hồi cư về quận Lái Thiêu tỉnh Thủ Dầu Một vào cuối năm 1946, ba năm sau ông xuống Sàigòn và cư ngụ hẳn ở đó tới năm 1985. Tháng 10 năm nầy ông được xuất ngoại theo chương trình đoàn tụ gia đình. Ông sang Mỹ định cư ở Rancho Cordova, một city nằm trong thủ phủ Sacramento của Tiểu bang California Hoa kỳ và từ trần ở đó ngày 7-3-1987 vì bịnh huyết áp cao. Ông được an táng ngày 14-3-1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn.

2.- Sinh hoạt văn nghệ

BNL đang viết dang dở tập hồi ký “Nếu Tôi Nhớ Kỹ” thì qua đời. Trong tập đó có bài “Ông Bà Bút Trà” kể lại trường hợp nào ông bà Bút Trà gia nhập báo giới rồi kết hôn với nhau, còn BNL thì lại dấn thân vào con đường viết văn. Số là vào khoảng năm 1930, 1931, 1932… có một bà phú thương Việt Nam tên Tô Thị Thân thay mặt người chồng Hoa Kiều, tục danh là chú Xồi, để đứng tên làm chủ 20 tiệm cầm đồ tại Sàigòn. Vì bị báo chí Sàigòn thuở ấy chỉ trích là gian thương, là phường cho vay cắt cổ, v.v…, bà muốn ra một tờ báo để tự binh vực nên bà tìm người phụ trách tờ báo đó. Bà giao công việc tìm kiếm nầy cho người thơ ký kế toán của bà tên Tô Văn Giỏi, vốn là anh họ của BNL. Ông Giỏi nhờ BNL tìm kiếm người làm báo. BNL thuở ấy chưa biết viết văn nhưng rất ham thích văn nghệ, ông có quen biết hai người đàn anh văn nghệ là Lê Hoằng Mưu bút hiệu Mộng Huê Lầu và Trương Quang Tiền, không có bút hiệu. BNL ngỏ ý nhờ hai ông nầy giúp bà Tô Thị Thân làm báo theo tiêu chuẩn do chính bà đề ra là “viết nhựt trình thiệt giỏi và ăn rẻ”. Hai ông từ chối, có lẽ tự xét mình không đáp ứng được tiêu chuẩn “thiệt giỏi mà ăn rẻ” của bà Thân. Tuy từ chối nhưng ông Trương Quang Tiền lại giới thiệu một người bạn của ông là ông Bút Trà, lúc ấy đang gặp khó khăn tài chánh. Ông Bút Trà tuy chưa hề làm báo nhưng cũng nhận đảm trách tờ “Sàigòn Họa Báo” cho bà Tô Thị Thân. Ít lâu sau, bà Thân ly dị ông chồng Hoa Kiều và kết hôn với ông Bút Trà. Về phần BNL, do việc tìm kiếm người làm báo đó mà ông bắt đầu tới lui với các văn nghệ sĩ, ký giả, v.v… Lòng ưa chuộng văn nghệ được khơi động thêm lên, nó khiến ông tập viết văn để sau nầy trở thành nhà văn thực sự.

Trong bài “Hăm Bảy Năm Làm Báo” cũng trích từ tập hồi ký “Nếu Tôi Nhớ Kỹ” nói trên đây, BNL cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1946 mới làm báo. Bản thảo bài trên đây đã thất lạc, chỉ còn lại trang đầu, nhưng có thể đoán hiểu ý ông muốn nói đến năm 1946 ông mới nhúng tay vào những công việc có tính cách kỹ thuật để cho một tờ báo hình thành được như chọn lựa, sắp xếp, trình bày bài vở, v.v…. Như đã nói ở trên, BNL bắt đầu viết văn viết báo từ năm 1942. Lúc ấy ông cộng tác với báo Thanh Niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Trong ban biên tập còn có Xuân Diệu, Huy Cận (hiện diện trong ban biên tập trước BNL), Mặc Ðỗ, v.v… Chính BNL đã đề nghị ban biên tập đăng bài thơ “Mã Chiếm Sơn” của một độc giả mới gởi tới. Ðộc giả đó là Tố Hữu. Sau đó ít lâu Tố Hữu cũng vào ban biên tập Thanh Niên luôn. Sau 1954 Tố Hữu xuất bản tập thơ “Từ Ấy” trong đó có bài “Mã Chiếm Sơn” . (Các chi tiết trên đây do BNL kể lại cho gia đình nghe).

Từ năm 1948 BNL xuống định cư hẳn ở Sàigòn nhưng không trở lại nghề công chức nữa và sinh sống bằng nghề viết báo, làm báo. Ông cộng tác với các báo Lẽ Sống (với bút hiệu Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, v.v…), Ðời Mới, Tin Mới, v.v…

Năm 1957, 1958 ông cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn Hóa Ngày Nay (của Nhất Linh) và làm chủ nhiệm tuần báo Vui Sống năm 1959. Năm 1960-1963 ông phụ trách trang văn nghệ của báo Tiếng Chuông, rồi năm 1964-1965 làm chủ biên nhựt báo Tin Sớm.

Từ năm 1965-1975 ông chuyên viết feuilleton cho các nhựt báo. Ngay từ những năm 1951, 1952, BNL đã có viết feuilleton rồi. Phần lớn những feuilletons đó có cốt truyện thuộc loại chuyện phiêu lưu, dã sử, v.v… và được ông ký dưới bút hiệu khác như Phong Ngạn, Trình Nguyên, v.v…. Ðến năm 1956 BNL mới bắt đầu viết feuilleton có cốt truyện tình cảm và ký bút hiệu BNL luôn. Những năm 1960-1975 là thời kỳ ông viết feuilleton nhiều nhứt. Trước 1975, tạp chí VĂN ở Sàigòn có đăng bài phỏng vấn ông do Nguyễn Nam Anh, tức nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thực hiện. Đáp câu hỏi « Ông có phải là nhà văn có tiểu thuyết đăng nhiều ở các nhật báo không ? », BNL cho biết là vào năm 1957 ông viết 11 feuilletons mỗi ngày, nhưng sau đó chính Lê Xuyên và An Khê mới là những tác giả dẫn đầu về số lượng feuilletons. An Khê có năm viết tới 12 feuilletons mỗi ngày, một con số mà theo BNL chưa ai vượt qua nổi. Riêng theo trí nhớ của tôi thì khoảng thời gian BNL viết feuilleton nhiều nhứt là 1962-1969.

Từ năm 1975-1985 ông nằm nhà, không tham gia các sinh hoạt xã hội và văn nghệ với lý do bị bịnh kiệt sức và huyết áp cao.

Ông định cư ở Mỹ từ tháng 10 năm 1985, bịnh đỡ nhiều nhưng chưa bình phục hẳn. Tuy nhiên, ông đã viết lách trở lại và đăng báo nhiều bài viết thuộc các thể loại truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết, “tìm biết”, “về nguồn”, ngôn ngữ học, dân tộc học, v.v…. Một số tiểu thuyết của ông đang được viết và đăng báo dở dang thì ông qua đời ngày 7-3-1987. Những bản thảo chưa đăng báo còn được gia đình ông lưu giữ nhưng phần lớn đã thất lạc.

3.- Sinh hoạt gia đình và xã hội

a.- BNL mắc bịnh thần kinh năm 1944, năm sau mới khỏi bịnh. Nhưng từ năm 1950 đến năm 1964 ông trở nên cực kỳ khó tính, thường xuyên gây căng thẳng trong gia đình. Chẳng rõ đây có phải là một dạng thái bịnh tâm thần loại nhẹ biến chứng từ bịnh thần kinh năm 1944 không. Chỉ biết là BNL cứ đinh ninh bản thân ông không thể mắc bịnh tâm thần, chỉ có vợ, con, cháu và bạn bè ông mới có thể mắc bịnh nầy mà thôi (thực ra, ông quả có hai người cháu và vài bạn làng văn mắc bịnh tâm thần). Do đó ông ưa hỏi thăm về bịnh tâm thần để cứu chữa cho… thân nhân và thân hữu! Cũng vì quan tâm tới bịnh tâm thần – mà ông nghĩ là của người khác chớ không bao giờ là của ông cả – BNL đã cùng người trưởng nam là bác sĩ Tô Dương Hiệp, giám đốc Bịnh Viện Tâm Thần Biên Hòa, soạn thảo một công trình biên khảo lấy tựa là “Khinh Tâm Bịnh Và Sáng Tác Văn Nghệ”. Hình như một vài bài trong tập biên khảo nầy đã được đăng tải trên đặc san của Bịnh Viện Tâm Thần Biên Hòa cùng với nhiều tranh vẽ và văn thơ của các văn nghệ sĩ mắc bịnh tâm thần đang nằm điều trị tại bịnh viện nói trên (như Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í, v.v…). Tác phẩm “Khinh Tâm Bịnh Và Sáng Tác Văn Nghệ” không biết đã hoàn tất chưa – nhưng chắc chắn là chưa xuất bản – thì BS Tô Dương Hiệp từ trần và bản thảo đã thất lạc.

b.- Khi còn ở Việt Nam, BNL thường giao du thân mật với Nguyễn Ang Ca, An Khê, Hà Liên Tử.

II .- VĂN NGHIỆP

1.- Các bút hiệu:

Bình-nguyên Lộc: bút hiệu chánh cho các truyện ngắn, truyện dài tình cảm.

Phong Ngạn : bút hiệu của tiểu thuyết dã sử „Quang Trung Du Bắc“ và „Tân Liêu Trai“

Phóng Ngang, Phóng Dọc: biến thể của Phong Ngạn, bút hiệu của những bài trào phúng.

Trình Nguyên: bút hiệu của một feuilleton, tiểu thuyết dã sử liên quan đến cuộc chiến Việt Chiêm, chỉ xuất hiện trong một truyện.

Tôn Dzật Huân: bút hiệu của truyện trinh thám, là một loại tự-mê (anagramme) biến thể từ tên tộc Tô Văn Tuấn, chỉ dùng một lần

Hồ Văn Huấn: bút hiệu của khảo cứu „Sửa Sai Cổ Sử“, cũng là loại tự-mê, biến thể từ tên Tô Văn Tuấn, xuất hiện từ khi ở hải ngoại.

Diên Quỳnh: bút hiệu của chỉ một truyện vừa, tình cảm ở nồng độ tâm trạng đen, và của chỉ một truyện ngắn khác.

2.- Quá trình hoạt động văn chương báo chí theo thứ tự thời gian

1942-45: bắt đầu viết văn, viết báo, cộng tác với báo THANH NIÊN của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

1946: làm báo

1948: chánh thức sinh sống với nghề viết văn, làm báo

1950: báo ÐIỂN TÍN

1951-1957: báo LẼ SỐNG của Ngô Công Minh với bút hiệu PHONG NGẠN, PHÓNG NGANG, PHÓNG DỌC

báo VIỆT THANH (1951) với bút hiệu TRÌNH NGUYÊN

tuần báo ÐỜI MỚI (1951-54) của TRẦN VĂN ÂN

báo TIN MỚI (1952) của TRẦN VĂN ÂN với nhiệm vụ là chủ biên và ký bút hiệu là TÔN DZẬT HUÂN trong một truyện trinh thám

1957-1958: các tạp chí BÁCH KHOA (không thường xuyên tới 1975), VĂN HÓA NGÀY NAY (của NHẤT LINH)

1959: chủ nhiệm tuần báo VUI SỐNG, ngoài bút hiệu chánh còn có tên DIÊN QUỲNH.

1960-1962: phụ trách trang trong của báo TIẾNG CHUÔNG

1963: báo QUYẾT TIẾN cùng với NGUYỄN KIÊN GIANG, TRƯỜNG SƠN, HỒ VĂN ÐỒNG. Ít tháng sau ông trở lại báo Tiếng chuông

1964-1965: chủ biên báo TIN SỚM

1966: chủ biên tờ HY VỌNG của Tướng NGUYỄN BẢO TRỊ

1975-1985: không tham gia các sinh hoạt văn nghệ báo chí. Lý do: bịnh kiệt sức và huyết áp cao

10.1985: định cư ở Mỹ.

1986-1987: TIỂU THUYẾT NGUYỆT SAN, báo ÍCH TRÁNG, VIỆT NAM NHẬT BÁO, VĂN NGHỆ TIỀN PHONG, LÀNG VĂN, PHỤ NỮ DIỄN ÐÀN, NHẬT BÁO NGƯỜI VIỆT, ÐỜI (của Nguyên Sa), THẰNG MÕ, CHUÔNG VIỆT, VĂN, NHÂN VĂN, VIỆT NAM TỰ DO, LỬA VIỆT, v..v..

v.v…

07.03.1987: từ trần vì huyết áp cao

3.- Tác phẩm đã xuất bản

1950 Nhốt Gió

1959 Ðò Dọc (lúc còn ở dạng thức feuilleton thì mang tựa là “Gái Chợ Về Quê”); Gieo Gió Gặt Bão; Tân Liêu Trai (ký bút hiệu Phong Ngạn).

1960 Ký Thác

1962 Nhện Chờ Mối Ai

1963 Xô Ngã Bức Tường Rêu; Bí Mật Của Nàng; Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương; Bóng Ai Qua Ngoài Song Cửa; Hoa Hậu Bồ Ðào; Mối Tình Cuối Cùng; Nửa Ðêm Trảng Sụp; Tâm Trạng Hồng.

1965 Ðừng Hỏi Tại Sao; Mưa Thu Nhớ Tằm.

1966 Tình Ðất; Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc.

1967 Một Nàng Hai Chàng (quay thành phim Hồng Yến năm 1972); Quán Tai Heo; Thầm Lặng; Trâm Nhớ Ngàn Thương (Trâm và Ngàn là tên hai nhân vật chính); Uống Lộn Thuốc Tiên; Nụ Cười Nước Mắt Học Trò.

1968 Ðèn Cần Giờ; Diễm Phương; Sau Ðêm Bố Ráp.

1969 Cuống Rún Chưa Lìa; Khi Từ Thức Về Trần; Nhìn Xuân Người Khác; Món Nợ Thiêng Liêng.

1971 Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam

1972 Lột Trần Việt Ngữ; Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương, Lữ Ðoàn Mông-Ðen

Ngoài ra còn có một số tác phẩm không nhớ rõ năm xuất bản. Ðó là truyện nhi đồng Ði Viếng Ðời Xưa (1962 (?); Tỳ Vết Tâm Linh.

Trong tập Ký Thác có hai truyện được dịch ra tiếng ngoại quốc:

Rừng Mắm, truyện ngắn được xem là tác phẩm cô động của trường thiên tiểu thuyết Phù Sa, hoặc ngược lại Phù Sa là tác phẩm triển khai ra cho dài của truyện Rừng Mắm, theo ghi chú của nhà xuất bản Văn Nghệ, đã được nhà thơ Xuân Việt, tức là giáo sư đại học luật khoa Nghiêm Xuân Việt dịch ra tiếng Pháp (theo trí nhớ của người viết thì vào khoảng cuối thập niên 1950), đăng ở tập san Pen Club. Bản dịch ra Anh văn do nhà văn James Banerian ở San Diego, California, Hoa kỳ, cho đăng tải trong tập Vietnamese Short Stories, đã xuất bản. Bản dịch thứ ba là của một tác giả ở Tây Ðức. Và bản dịch thứ tư cũng ra tiếng Pháp là của Phan Thế Hồng với sự hợp tác của Danielle Linais ở Việt Nam.

Truyện Ba Con Cáo, cũng theo nhà xuất bản Văn Nghệ, được nhà văn Lê văn Hoàn ở San Francisco dịch ra tiếng Anh và đã đoạt giải nhất truyện ngắn quốc tế ở Manila, Phi luật tân.

4.- Tác phẩm chưa xuất bản

Những feuilletons viết và đăng báo dưới bút hiệu khác trong thời gian 1951-1954 không được tác giả cho xuất bản. Sau 1960 nhiều feuilletons ký bút hiệu BNL cũng không được xuất bản. Khoảng 6 tiểu thuyết được các nhà xuất bản chọn lựa để in nhưng rốt cuộc đã không thực hiện và cũng không trả lại bản thảo. Nói chung khoảng ba bốn chục feuilletons đã đăng trọn vẹn trên báo nhưng chưa được in thành sách.

Theo Nguyễn Q. Thắng (nhà xuất bản Văn Học Hà Nội) thì tới năm 1973 BNL còn 32 tác phẩm chưa in thành sách:

Phù Sa; Ngụy Khôi; Ðôi Giày Cũ Chữ Phạn; Thuyền Trưởng Sống Lô; Mà Vẫn Chưa Nguôi Hình Bóng Cũ; Người Săn Ảo Ảnh; Suối Ðổi Lốt; Trữ La Bến Cũ; Bọn Xé Rào; Cô Sáu Nam Vang; Một Chuyến Ra Khơi; Trọng Thuỷ – Mị…Ðường; Sở Ðoản Của Ðàn Ông; Luật Rừng (Tống Diên: nhan đề đầu tiên có lẽ là Luật Rừng Xanh khi còn đăng báo); Cuồng Ca Thế Kỷ; Bóng Ma Dĩ Vãng; Gái Mẹ; Khi Chim Lìa Tổ lạnh; Ngõ 25; Hột Cơm Ngô Chúa; Lưỡi Dao Cùn; Con Khỉ Ðột Trò Xiếc; Con Quỉ Ban Trưa; Quật Mồ Người Ðẹp; Người Ðẹp Bến Ninh Kiều; Bưởi Biên Hòa; Giấu Tận Ðáy Lòng; Quang Trung Du Bắc; Xóm Ðề Bô (Tống Diên: khi đăng báo có tựa là Xóm Ðề Pô); Hai Kiếp Nhả Tơ; Muôn Triệu Năm Xưa; Hổ Phách Thời Gian.

Theo thiển ý thì con số thực sự còn cao hơn nữa. Chẳng hạn như tôi vừa phát hiện ra feuilleton có tựa là Thiếu Nữ Gâu Gâu đăng trên nhật báo SỐNG MẠNH ở Sàigòn vào năm 1970, mà không có bài viết nào có ghi truyện nầy trong bản liệt kê. Như vậy, có nhiều khả năng là một số feuilletons của BNL đã bị các nhà viết văn học sử quên mất hoặc không tìm thấy.

5.- Tác phẩm viết ở hải ngoại

a.- Sửa Sai Cổ Sử I (về Việt Nam) dài 177 trang đánh máy.

b.- Sửa Sai Cổ Sử II (về Ðông Nam Á) dài 214 trang đánh máy. Cả hai quyển trên đây đều được ký bút hiệu Hồ Văn Huấn (tức là anagramme của Tô Văn Tuấn)

c.- Trường Giang Cửu Long đăng trên VIỆT NAM NHẬT BÁO được ít nhất là 93 số thì BNL qua đời. Dưới nhan đề “Trường Giang Cửu Long” có ghi câu “Trường Thiên Phóng Bút Của Bình-nguyên Lộc” . Nội dung nói về địa lý, con người, phong tục, v.v… miền Tây Nam Việt.

d.- Ðổ Xô Vào Nam cũng đăng trên VIỆT NAM NHẬT BÁO, không được tác giả khẳng định là thể loại gì, nhưng nội dung nói về lịch sử nam tiến của dân tộc Việt Nam vào giai đoạn dân ta đã tới định cư ở miền đông Nam Việt. Tác phẩm đăng dần dà trên từng số báo một, được gần khoảng 20 số, tới chương 5, thì tác giả qua đời.

e.- Hồn Việt Lạc Loài, tiểu thuyết, chưa được đăng trên báo. Bản thảo viết tay tới 57 trang thì dứt. Ông viết chữ nhỏ li ti trên trang giấy khổ to, nên nếu in ra thì chắc cũng được trên 60 trang. Có lẽ BNL viết tới đây thì mất. Câu hỏi phải đặt ra là tại sao ông viết được một xấp dày như vậy mà không gởi đi đăng báo? Không thể nói không ai thèm đăng feuilleton của ông cả, trong lúc có rất nhiều báo ở Cali thích đăng feuilleton của ông. Giả thuyết rằng ông dự định viết xong rồi mới cho đăng cũng không vững, bởi lẽ bao năm qua ông không có thói quen đó, và đã là người chuyên viết feuilleton thì cứ viết tới đâu là gởi đăng báo tới đó. Lời giải thích hợp lý duy nhất là, ông định viết sẵn trước một đoạn tiểu thuyết đủ cho năm mười số báo để phòng khi ông bịnh hoạn hoặc bận việc thình lình thì feuilleton đang đăng tải sẽ không bị gián đoạn.

f.- Cà Phê Ôm Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, truyện dài đăng trên báo Phụ Nữ Tiểu Thuyết ở Cali Truyện cũng đang dở dang thì BNL từ trần.

g.- Sông Vẫn Ðợi Chờ, hồi ký đăng báo dở dang thì BNL mất.

h.- Nếu Tôi Nhớ Kỹ , hồi ký gồm nhiều bài viết biệt lập mà một số đã đăng báo.

i.- Một số bài viết đăng báo thuộc các thể loại truyện ngắn, hồi ký, “tìm biết”, “về nguồn”, ngôn ngữ học, dân tộc học, v.v….

III.- TÁC PHẨM QUAN TRỌNG

1.- Tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt

a.- Hương Gió Ðồng Nai. Ðây là tác phẩm đầu tay của BNL và là một tập tạp bút (giới hạn trong đề tài) ghi chép những nhận xét, cảm nghĩ của tác giả đối với đặc sản, phong tục, ca dao, v.v… của vùng đất Ðồng Nai. Ông khởi thảo từ năm 1935 và hoàn thành năm 1942. Một truyện và một bài tùy bút trong tập tạp bút nầy được đăng tải trên báo Thanh Niên, khoảng 1943. Năm 1945 cả bản thảo viết tay lẫn các bài đã đăng báo đều bị thất lạc. Khoảng năm 1953-1955 BNL có viết và đăng báo dần dà một công trình sưu khảo khác là Thổ Ngơi Ðồng Nai, mà phần đầu coi như đã xong là Ca Dao Miền Nam . Ðây là một nổ lực tái lập lại tác phẩm “Hương Gió Ðồng Nai” đã mất năm 1945. Nhưng rốt cuộc “Thổ Ngơi Ðồng Nai” cũng thất lạc, không tìm lại được những bài đã đăng báo.

b.- Năm 1943 BNL có đăng trên báo Thanh Niên bài “Di Dân Lập Ấp”. Ðây là bài khai từ, là chương mở đầu của bộ tiểu thuyết lịch sử Phù Sa, khởi viết năm 1942, mô tả đời sống của đoàn người di cư từ miền Trung vào định cư ở miền Nam. Ðây là hoài bảo lớn mà BNL ôm ấp lâu dài trong lòng nhưng đến chết vẫn không thực hiện được. Tác phẩm “Phù Sa” được tác giả dự trù dài đến cả ngàn trang cũng đã bị thất lạc vào năm 1945. Sau năm 1954, BNL viết lại tiểu thuyết “Phù Sa” và đăng báo Nhân Loại khoảng gần 200 trang. Báo đình bản và ông cũng ngưng viết tiếp tiểu thuyết đó vì bận viết các feuilletons khác. (Có những trang Tiểu Sử BNL ghi “Câu Dầm” là truyện ngắn đầu tiên của BNL đăng trên báo Thanh Niên; tôi không biết điều nầy có đúng không, nhưng nếu căn cứ vào lời đề tặng trước khi vào truyện “Viết theo một chuyện cổ tích của làng Tân Uyên để tặng những đứa con yêu mến của Tân Uyên đã xiêu bạt khắp mọi nơi sau mùa tiêu thổ 1945” thì “Câu Dầm” không thể viết trước 1945 được. Ngoài ra, tôi nhớ có lần nghe ông nói: “Bài Di Dân Lập Ấp là bài đầu tiên của tao viết trên báo Thanh Niên.” Khi gởi đăng bài nầy ông không nói rõ đó là một bài khai từ hay chương mở đầu cho một bộ tiểu thuyết dài và có lẽ vì thế mà báo Thanh Niên xem đây như là một truyện ngắn)

c.- Nhốt Gió. Tập truyện ngắn đầu tay của BNL do nhà xuất bản Thời Thế ấn hành năm 1950.

d.- Ðò Dọc. Tiểu thuyết đầu tiên được in thành sách của BNL. Không rõ tác phẩm được ấn hành năm nào, nhưng nhà xuất bản Bến Nghé in lần thứ hai năm 1959, và theo Nguyễn Ngu Í trong “Sống và Viết…với BNL” thì Ðò Ðọc được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1959.

Tôi xin được có thêm một chi tiết về quyển tiểu thuyết nầy. Nhà văn DIỆU TẦN ở California có viết trong tạp chí Văn Học số 18 (tháng 7 năm 1987) rằng, tiểu thuyết Ðò Dọc lấy cốt truyện của tiểu thuyết Pháp “Les Quatre Filles Du Docteur March” (Bốn Ái Nữ Của Bác Sĩ March). Nhận xét của ông Diệu Tần không được chính xác, bởi lẽ Ðò Dọc và Les Quatre Filles Du Docteur March chỉ có chung nhau một điểm là cả hai tác phẩm đều có 4 nhân vật chính là 4 chị em gái chưa chồng. Cái điểm chủ yếu của Ðò Dọc là con đường quốc lộ số 1 (đã đưa 4 cô con gái của ông bà Nam Thành tới chỗ quen biết với họa sĩ Long) thì không hề được thấy trong Les Quatre Filles Du Docteur March. Thực ra, khi viết Ðò Dọc, BNL được gợi ý bởi vở kịch của kịch tác giả J.J. BERNARD, mà ông đã trang trọng ghi ở trang đầu: Kính tặng J.J. BERNARD, người sáng-tạo “KỊCH-THUYẾT ÍT LỜI”, mà vở kịch danh tiếng “CON ÐƯỜNG QUỐC-GIA SỐ 6” đã gợi hứng cho tôi.

e.- Ði Viếng Ðời Xưa. Truyện nhi đồng được nhà xuất bản Phượng Giang (của Nhất Linh) xếp vào loại Sách Hồng và ấn hành khoảng năm 1962. Nó có ý nghĩa đặc biệt như sau. Tất cả những nhà văn trong nhóm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh đều được nhà Phượng Giang xuất bản tác phẩm. Riêng BNL thì không. Trường hợp truyện “Ði Viếng Ðời Xưa” là một biệt lệ.

f.- Nguồn gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam (1971)

g.- Lột Trần Việt Ngữ (1972)

f và g là hai tác phẩm đã đưa BNL từ lãnh vực văn chương thuần túy sang lãnh vực nghiên cứu cổ sử và ngôn ngữ Việt Nam.

h.- Cổ Văn (soạn chung với bạn: Nguiễn-Ngu-Í):

  -     Chiêu Hồn và Tiếc Thay Duyên Tấn Phận Tần

– Tự Tình Khúc và Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm

– Tì Bà Hành và Trường Hận Ca 2.- Những tác phẩm mà tác giả ưng ý

a.- Tiểu thuyết: Phù Sa (chưa hoàn thành); Tỳ Vết Tâm Linh.

b.- Truyện ngắn: Tính toàn tập: Cuống Rún Chưa Lìa; Tính riêng rẻ: Bàn Tay Năm Ngón; Không Trốn Nữa (trong Nhốt Gió) và Hồn Ma Cũ; Rừng Mắm; Ba Con Cáo (trong Ký Thác); Tạp bút: Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc.

c.- Ý kiến riêng của người viết: Trả lời phỏng vấn trước 1975 của Nguyễn Nam Anh (bút hiệu khác của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), BNL cho biết tại chủ quan ông thấy các tác phẩm đó hay, chớ người khác chưa chắc đã thấy như vậy. Theo thiển ý, BNL nắm vững lý do tại sao ông ưng ý các tác phẩm trên đây nhưng không nói ra, có lẽ vì ông không muốn cho mọi người biết rõ một số tâm tư thầm kín của ông. Tôi xin nêu ra dưới đây vài giả thuyết theo suy nghĩ của tôi để thử giải thích sự ưng ý đặc biệt của BNL đối với một số tác phẩm của ông.

– Trường thiên tiểu thuyết Phù Sa. Tác phẩm nầy chưa hoàn thành nên khi trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, BNL không liệt kê nó vào danh sách những tác phẩm ông ưng ý. Trong chỗ riêng tư với thân bằng quyến thuộc, ông luôn luôn khẳng định Phù Sa là hoài bảo ông ôm ấp trong lòng trọn đời nhưng e không thực hiện được trước khi nhắm mắt. Lý do ông thích Phù Sa cũng dễ hiểu thôi. Suốt đời ông bị cuốn hút vào việc vinh danh những bậc tiền bối đã từ miền Trung vào Nam khai phá đất hoang, mở mang bờ cõi. Phù Sa chính là phương tiện mà ông nghĩ là tốt nhất để giúp ông tiến hành sự vinh danh đó.

– Tỳ Vết Tâm Linh. Không rõ trong những lần tái bản sau nầy, Tỳ Vết Tâm Linh được nhà xuất bản gọi là tiểu thuyết hay truyện dài, chớ lần in đầu tiên thì nhà xuất bản SỐNG MỚI ở Việt Nam không có gọi nó là gì cả. BNL thích Tỳ Vết Tâm Linh vì ông rất quan tâm tới bệnh tâm thần, mà đề tài tiểu thuyết nầy là chuyện một phụ nữ lên cơn điên sau khi phát hiện rằng, người yêu của nàng đã tình cờ khám phá ra một mối tình lãng mạn của bà nội nàng. Vì sợ chàng khinh rẻ mình do quá khứ không tốt của bà nội nàng, nàng đau khổ dằn vật tâm tư nên đột ngột hóa điên. BNL thích Tỳ Vết Tâm Linh có lẽ vì ông muốn qua tác phẩm đó thử đi sâu vào thế giới người điên, cái thế giới mà chính bản thân ông cũng đã đi gần tới ngưỡng cửa mà không hay.

– Tập truyện ngắn Cuống Rún Chưa Lìa đã nói lên tâm tình của những người rất tha thiết với quê hương xứ sở, trong số đó có chính bản thân ông.

– Tạp bút Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc không nhằm mô tả hè phố Sàigòn như THẠCH LAM đã làm với Hà Nội trong “Hà Nội 36 Phố Phường”, mà nó nhằm mục đích nói lên tâm tình, cảm nghĩ của chính tác giả BNL khi đi lang thang dạo chơi trên hè phố Sàigòn. Những mảnh tâm tình, những cảm nghĩ đó gắn liền với bản thân BNL nên đương nhiên ông phải thích cái tác phẩm mà ông dùng để chuyển tải chúng tới độc giả.

IV.- LỜI KẾT

Trong lúc đang nổ lực vượt qua các trở ngại về sức khỏe để sáng tác lại đều đặn như xưa thì BNL đột nhiên từ trần do chứng huyết áp cao. Ông để lại nhiều tác phẩm văn chương chưa hoàn tất, cũng như nhiều công trình biên khảo đang soạn thảo dở dang, trong số nầy có quyển Từ Ðiển Cổ Ngữ Mã Lai Ðối Chiếu đã làm ông tốn rất nhiều thì giờ tìm tòi nghiên cứu. Một sự mất mát lớn lao khó được san bằng!

Tống Diên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *